Nghề bảo vệ nhưng không… bảo vệ được mình!

Chóng mặt với nhân lực
Tại TP.HCM, có khoảng 329 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề bảo vệ – vệ sĩ với số lượng lên đến 200.000 người. Những công ty có tên tuổi như Thăng Long, Tây Sơn, Long Hải, Ngày Và Đêm, mỗi công ty có số lượng nhân viên gần 10.000 người. Mặc dù lực lượng nhân viên đông đúc, hùng hậu như thế, nhưng lúc nào cũng thấy họ đăng báo tuyển người. Ban đầu họ còn “ưu tiên” cho những người thuộc diện chính sách, như: Con em gia đình thương binh liệt sĩ, bộ đội, công an xuất ngũ hoặc người tốt nghiệp phổ thông trung học, biết võ thuật, lái xe, Anh văn, v.v…. Nhưng rồi sau đó những người chọn nghề này thưa dần nên bây giờ họ tuyển cả những người chưa học hết cấp 2 và cả những người lớn tuổi gần như mất sức lao động để bổ sung nguồn nhân lực. Tuy vậy, số người được tuyển vào vẫn không đáp ứng đủ quân số cần thiết vì số người nghỉ việc cũng gần như tương ứng.

Công ty Bảo vệ càng ngày càng phải cần đến tính chuyên nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp khi cần người bảo vệ thường tìm đến các công ty bảo vệ để hợp đồng. Họ sẽ yên tâm vì các công ty có tính chất chuyên nghiệp, nhân viên được đào tạo bài bản, chịu trách nhiệm về các biến cố như mất trộm, thất thoát lẫn an ninh trật tự…. Một anh bạn kinh doanh quán nhậu ngồi tính với tôi: “Nếu như tuyển 3 bảo vệ không chuyên đến quán làm công việc bảo vệ kiêm giữ xe cho khách thì cũng mất hết 10 triệu một tháng, còn tuyển 3 nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp từ các công ty bảo vệ thì giá cả cũng chỉ bằng đó nhưng nhỡ mất xe, mất đồ đạc thì công ty phải bồi thường, hay nếu có sự cố ẩu đả, họ cũng có “kinh nghiệm” can thiệp và dàn xếp. Còn các bảo vệ tự phát thì biết lấy tiền đâu ra đền cho khách khi mất xe và họ sẽ chạy “mất dép” nếu như trong quán có xô xát vì họ sợ liên lụy”.

Công ty bảo vệ Hưng Cát Lợi tại TP Hồ Chí Minh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi ký hợp đồng với khách hàng, các công ty bảo vệ thu từ 4,5 triệu đến 5 triệu/người nhưng họ chỉ thanh toán cho nhân sự của mình từ 3,5 đến 4 triệu, tức mỗi đầu người họ thu lợi nhuận khoảng một triệu đồng/tháng. Một công ty cỡ vừa, có từ 3.000 bảo vệ, mỗi tháng họ thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, một con số lợi nhuận khá lớn. Chính vì công ty ngày càng giàu lên còn nhân viên không đủ sống nên người lao động nghỉ dần, vì thế, họ phải liên tục tuyển người, liên tục tổ chức đào tạo trong vòng… vài ngày để kịp tăng cường cho các mục tiêu. Tuy nhiên, những người “thời vụ” này chỉ vào nghề để “chữa cháy” trong lúc thất nghiệp, khi có việc đúng với chuyên môn thì họ lại rút lui. Đồng lương quá “hẻo” nhưng hằng ngày họ phải va chạm với đủ mọi thành phần, đối phó với những công việc nguy hiểm. Nếu không may mục tiêu được bảo vệ bị mất cắp thì họ phải bồi thường bằng cách chịu trừ lương trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm…

Người bảo vệ luôn làm việc với trách nhiệm nặng nề.

Tuy nhiên, vẫn có một số người “sống tốt” khi được làm việc ở các khách sạn, nhà hàng, quán bar… nơi có những vị khách hào phóng thường dúi vào tay họ 10, 20 hay 50 ngàn cho mỗi lần dắt xe hoặc dìu ra xe trong hơi men chếnh choáng. Anh Vũ Tuấn – nhân viên bảo vệ của Công ty Bảo vệ – vệ sĩ Tây Sơn đã có nhiều năm kinh nghiệm, trải lòng: “Ở quán nhậu, khách say xỉn thường có nhiều dạng: Say bí tỉ nhưng vẫn có thái độ lịch sự, hào phóng, khi dắt xe ra về thường dúi vào tay chúng tôi dăm ba chục, hoặc có người đi xe hơi thì “lì xì” cả trăm. Nhưng cũng có người quá say, khi chúng tôi chưa kịp dắt xe thì đã nộ nạt, chửi bới loạn xạ, chúng tôi chỉ biết im lặng với những vị khách này. Và có lúc giữa khách lại xảy ra đánh nhau, chúng tôi buộc phải vào lựa lời khéo léo để can ngăn, hòa giải. Có trường hợp các “ông” đang choảng nhau, tôi lao vào can, không may bị cả chai bia nện lên đầu. Lại có lần bị cả chén đồ ăn nóng hổi ném trúng vào mặt bầm cả con mắt, nhưng cũng đành nhịn đau mà xoa dịu khách. Có người khi xảy ra đánh nhau vội bỏ chạy về nhà, sau đó kéo đến cả chục người mang theo hung khí hùng hổ xông vào quán, không tìm được đối thủ thì “trút giận” vào bảo vệ, anh em cố hứng chịu, khi công an đến thì họ đã rút êm” .

Muôn nẻo phận đời
Trường hợp anh L.V.L thì lại cá biệt hơn. Là một thanh niên khỏe mạnh, tuổi đời chưa đến ba mươi, điển trai, có thân hình lý tưởng, anh được công ty đưa vào bảo vệ căn nhà biệt thự ở ngoại ô cho một bà chủ béo phì, góa chồng giàu sụ, tuổi đời sấp sĩ năm mươi nhưng vẫn còn đòi hỏi “cơ chế”. Làm được vài hôm thì anh bị bà chủ ngỏ lời…yêu anh.
“Dù biết mình nhỏ hơn bà hai mươi tuổi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải chấp nhận “yêu” bà để nhận lấy vài trăm ngàn cho một lần “mưa gió”…Sau đó tôi bị bà sai khiến đủ thứ công việc ngoài chức năng bảo vệ và được xem như một người tôi tớ cho đến khi không còn sức đáp ứng nhu cầu của bà. Với sự ham muốn “khám phá cái mới”, vài tháng sau,bà tuyển người mới đẹp trai hơn tôi vào “phục vụ” rồi cho tôi nghỉ việc . Giờ nghĩ lại cảm thấy nổi da gà” – anh L thổ lộ.

Riêng các công trình xây dựng thì lại có đặc thù riêng. Bảo vệ cho các dự án này là những người được đào tạo nghiệp vụ bài bản, có học vấn trên lớp 9. Họ phải biết lập sổ sách theo dõi vật tư, ghi chép nhật ký công trường, lưu giữ công văn, kiểm soát công nhân, kiểm tra thẻ ra vào, bảo vệ tài sản cố định và tài sản di động trong khuôn viên dự án. Anh Vũ Văn Phúc – tổ phó phụ trách bảo vệ dự án Khu Phức hợp Sài Gòn ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Công việc của tôi là kiểm tra thẻ ra vào, kiểm tra dụng cụ đồ nghề khi thi công nên thường hay có sự va chạm với công nhân, có khi dẫn đến cự cãi hoặc bị hành hung. Những lúc như vậy người bảo vệ phải biết tránh gây căng thẳng, nhưng phải cứng rắn buộc công nhân tuân thủ nội quy công trường. Có những trường hợp tuần tra phát hiện kẻ gian lẻn vào lấy cắp tài sản, chúng tôi truy đuổi, chúng bỏ của chạy lấy người nhưng sau đó quay lại với cây gậy, mã tấu lao vào tấn cống chúng tôi. Đã có nhiều anh em Bảo vệ phải đi cấp cứu vì gặp phải nhóm côn đồ trộm cắp liều lĩnh, hung hãn. Làm nghề này mà nhát gan là không được”- Phúc khẳng định.

Bị tấn công không bảo vệ được chính mình

Anh Phạm Tuấn Thu đã ngoài 50 tuổi, đang làm việc cho Công ty Bảo vệ Thăng Long, là tổ trưởng phụ trách 4 người, đang bảo vệ mục tiêu là một dự án xây dựng tại trung tâm thành phố, tâm sự: “Tôi làm nghề này đã được gần 10 năm, hiện đang giữ được chức tổ trưởng, mỗi tháng nhận lương 5 triệu bao gồm tất cả các khoản phụ cấp, đây là mức lương dành cho nhân viên có thâm niên. Còn người mới vào nghề thì chỉ được từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng. Với đồng lương như thế, tằn tiện lắm thì chỉ đủ nuôi sống cho bản thân, còn muốn có dư chút đỉnh để phụ giúp cho gia đình thì phải “cày” 2 ca, mỗi ca 8 tiếng, một ngày phải lao động đến 16 giờ. Gần đây, khi đứa con gái út vào đại học, tôi phải thường xuyên làm ngày hai ca, nhiều hôm về đến nhà trọ, tắm giặt, ăn uống xong đã hơn 12h. Chợp mắt được vài ba tiếng, lại phải dậy thổi cơm mang theo đến công trường để dành ăn trưa, ăn tối. Thiếu ngủ, nên có lần trên đường đi làm tôi lao vào con lươn vì ngủ gục”.

Chỉ vào cánh tay có 2 vết thẹo dài trên 5cm, anh tiếp: “Khó khăn về cuộc sống là một chuyện, nhưng chúng tôi còn phải đối diện với sự nguy hiểm về tính mạng luôn rình rập bên mình. Cách đây 1 tháng, có nhóm trộm gỡ vách tôn lẻn vào công trường lấy sắt, chúng tôi phát hiện truy đuổi đến cổng sau thì bất ngờ 4 tên trộm rút kiếm ngắn quay lại chém loạn xạ vào 2 anh em chúng tôi. Đưa cây gậy gỗ vừa chống đỡ, chúng tôi vừa tháo lui và gọi đồng đội hỗ trợ. Lúc này, cả công trường chỉ có 4 người trực, công cụ hỗ trợ chỉ là vài cây gậy gỗ nên không thể chống với các loại dao kiếm. Quyết tâm trả thù vì bị chúng tôi truy bắt trong những đợt trước, nên đêm hôm đó chúng kéo đến rất đông, xông cả vào phòng bảo vệ đánh chém làm cả bốn anh em chúng tôi đều bị thương, có trường hợp anh Binh bị thương rất nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng tôi vì có “chút đỉnh” võ nghệ nên chỉ bị 2 vết chém ở cánh tay này. Mình làm bảo vệ mà ngay cả tính mạng mình cũng không tự bảo vệ được,thật buồn cho cái nghề…”- Anh Thu thở dài.
Chia tay các anh, tôi trở về với tâm trạng suy tư. Tuy cuộc sống của người dân chúng ta đã thay đổi rất nhiều so với những thập niên trước, nhưng vẫn còn rất nhiều người làm những công nghiệp nguy hiểm, vất vả, chiếm dụng thời gian rất nhiều mà cuộc sống vẫn tạm bợ, khó khăn, không ổn định.

Thiết nghĩ, để họ ổn định cuộc sống, rấtcần sự quan tâm của những cơ quan Nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề Bảo vệ không chỉ là vật chất mà còn tinh thần để họ có thể bám trụ với nghề.